Bệnh ho gà(tên tiếng Anh: Whooping Cough) là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi các triệu chứng như ho, hắt hơi, xổ mũi, sốt nhẹ, tăng nặng sau từ 1- 2 tuần. Ở trẻ nhỏ, bệnh có thể rất nặng với triệu chứng suy hô hấp, thậm chí gây tử vong.

 

Dịch tễ học: Cho tới nay, bệnh vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới dù tiêm chủng đã được phủ rộng. Chu kỳ dịch khoảng 2-5 năm, xảy ra lẻ tẻ ở tất các các nước, nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi, các ca bệnh nặng và tử vong hay gặp ở trẻ độ tuổi bú mẹ, tỷ lệ tử vong tăng cao hơn ở các nước đang phát triển.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Căn nguyên: bệnh do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra, đây là một loại trực khuẩn có hai đầu, không di động, tồn tại trong cơ thể người có sức đề kháng yếu. Vi khuẩn này thường phát triển tốt trong môi trường Bordet- Gengou có thạch máu cùng với những khuẩn lạc điển hình. Khi vi khuẩn đi ra môi trường chúng bị tác động bởi các yếu tố như ánh sáng, nhiệt độ bên ngoài và  thường chết sau một giờ.

Triệu chứng lâm sàng: Thường chia làm 3 thể: Thể thông thường điển hình, thể thô sơ và thể nhẹ.

Thể thông thường điển hình: hay gặp ở trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng, thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày. Đặc điểm lâm sàng của nhóm bệnh này thường chia làm các giai đoạn: Khởi phát, toàn phát, giai đoạn lui bệnh và hồi phục.

* Giai đoạn khởi phát( giai đoạn viêm long): Biểu hiện điển hình như ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau rát họng, dần chuyển thành ho cơn. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, giai đoạn này thường không có.

* Giai đoạn toàn phát( giai đoạn ho cơn): Thường kéo dài từ 1-2 tuần, với trẻ < 3 tháng tuổi, thời kỳ này kéo dài hơn, xuất hiện những cơn ho gà điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ cả ngày và đêm, ho cả khi trẻ đang chơi, đang ăn hay khi đang quấy khóc, cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: Ho, thở rít và khạc đờm.

– Ho: Trẻ ho rũ rượi, mỗi cơn thường từ 15-20 tiếng liên tiếp. Khi ho lưỡi bị đẩy ra ngoài, lâu dần dẫn tới loét hãm lưỡi( ở trẻ chưa có răng thì không gặp triệu chứng này). Cơn ho nặng, trẻ có thể thở yếu dần, có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt, nước mũi.

– Thở rít vào: Xuất hiện cuổi cơn ho

– Khạc đờm: Các nút nhầy đặc quánh dính thường là sản phẩm bệnh nhân khạc ra khi kết thúc cơn ho, là chất bài tiết của khí quản cô đặc, lông mao rụng, và biểu mô đường hô hấp bị hoại tử, trực khuẩn ho gà và bạch cầu Lympho. Trẻ mệt mỏi, nôn vã mồ hôi mạch nhanh sau mỗi cơn ho. Ngoài ra trẻ có thể sốt nhẹ, mặt và mi mắt nặng, loét hãm lưỡi, có ran phế quản. Các cơn ho tăng dần về số cơn và mức độ nặng của cơn trong vòng vài ngày đến 1 tuần và duy trì trạng thái nặng trong vòng vài ngày đến vài tuần. Cơn ho nặng có thể kéo dài vài giờ.

* Thời kỳ lui bệnh và hồi phục: kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần. Số cơn ho giảm dần, thời gian mỗi cơn ngắn lại, cường độ ho giảm, khạc đờm ít, sau đó hết hẳn. Tình trạng toàn thân tốt lên, trẻ ăn được và vui chơi bình thường. Tuy nhiên, ở một số trẻ có thể có những cơn ho kéo dài 1-2 tháng. Đặc biệt trẻ dưới 3 tháng tuổi, thời gian ho có thể kéo dài cả năm sau đó.

Thể thô sơ và thể nhẹ: Triệu chứng thường giống cảm thường, ho hắt hơi nhiều, không khạc đờm nhiều. Gặp ở trẻ đã được tiêm vaccin phòng bệnh ho gà nhưng kháng thể thấp và tồn tại ngắn. Thể này thường khó chẩn đoán.

Cận lâm sàng:

– Công thức máu: Thường thấy số lượng bạch cầu tăng cao nhất là bạch cầu Lympho( thường tăng ở cuối thời kỳ khởi phát bệnh).

– Xquang tim phổi: ít thấy bất thường, có thể thấy tăng đậm các nhánh phế huyết quản.

– Các xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh: Nuôi cấy phân lập vi khuẩn là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh. Ngoài ra có thể làm các xét nghiệm khác tùy vào giai đoạn bệnh như PCR với dịch nội khí quản hoặc dịch tỵ hầu; xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp( DFA); xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể trực khuẩn ho gà ít nhất hai tuần sau khi ho, với kháng thể IgG và / hoặc IgA kháng ho gà dương tính.

Biến chứng: Nhiễm trùng bội nhiễm( viêm phổi, viêm tai giữa); Suy hô hấp( do ngừng thở, viêm phổi hoặc tăng áp phổi), suy tuần hoàn; Tăng áp lực động mạch phổi.

Điều trị: Cần điều trị sớm khi có triệu chứng nghi ngờ mắc ho gà. Mục tiêu điều trị là hạn chế biến chứng, hạn chế cơn ho, theo dõi mức độ nặng của cơn ho và hỗ trợ người bệnh khi cần, đảm bảo dinh dưỡng, nghỉ ngơi để bệnh nhân hồi phục không di chứng.

Chỉ định nhập viện: Với tất cả trẻ < 3 tháng tuổi; với trẻ trên 3 tháng thì trừ trường hợp đã chứng kiến cơn ho mà không có cơn ho nặng.

Mục tiêu nhập viện:

+ Đánh giá tiến triển của bệnh và các triệu chứng nặng đe dọa tính mạng trong giai đoạn kịch phát của bệnh.

+ Phòng và điều trị biến chứng.

+ Tư vấn cho người nhà chăm sóc trẻ về tiến triển tự nhiên của bệnh và  cách chăm sóc trẻ tại nhà. Đồi với hầu hết trẻ dưới 2 tháng tuổi không có biến chứng, nhưng việc này cần được thực hiện trong 48 đến 72 giờ.

Điều trị cụ thể:

Chăm sóc trẻ: Trẻ cần được nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh, ít ánh sáng, thoải mái, tránh lo lắng, tránh môi trường có các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá, bụi tiếng ồn, nhiều chất kích thích. Chia nhỏ bữa ăn cho trẻ, tránh ăn quá nhiều bữa trong ngày. Cần theo dõi sát cơn ho của trẻ, cung cấp đủ oxy và máy hút khi cần thiết

Kháng sinh: Cần cho sớm. Chỉ định khi nghi ngờ hoặc chẩn đoán xác định mắc ho gà cho trẻ dưới 1 tháng tuổi trong vòng 6 tuần từ khi khởi phát cơn ho, trẻ trên 1 tuổi thì trong vòng 3 tuần từ khi khởi phát cơn ho. Có thể sử dụng kháng sinh Erythromycin, clarithromycin hoặc Azithromycin với trẻ > 1 tháng tuổi. Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng chỉ nên dùng Azithromycin.

Một số điều trị khác: Corticoid thường không được khuyến cáo; IVIG chung không chứa kháng thể đặc hiệu không được chỉ định trong bệnh ho gà…

Điều trị suy hô hấp: bệnh nhân cần được thở oxy khi có các biểu hiện suy hô hấp như thở nhanh, gắng sức, tím tái, SpO2 dưới 92 % khi thở khí trời. Đặt ống nội khí quản và hỗ trợ hô hấp sớm khi có các dấu hiệu suy hô hấp nặng và/ hoặc có dấu hiệu suy tuần hoàn.

Điều trị tăng áp lực động mạch phổi, thay máu hoặc màng trao đổi oxy ngoài cơ thể( ECMO): Chỉ định và thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên sâu có điều kiện chăm sóc và theo dõi sát cho trẻ.

Phòng bệnh:

Cách ly: trẻ nhập viện cần được thực hiện các biện pháp dự phòng chuẩn, các biện pháp dự phòng lây qua đường hô hấp được khuyến cáo ít nhất 5 ngày sau khi bắt đầu điều trị kháng sinh. Nên cách ly trẻ 3-4 tuần để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh, giảm các kích thích cho trẻ và tránh các mối lo lắng bị lây bệnh cho các thành viên trong gia đình. Ngoài ra cần dự phòng sau phơi nhiễm bằng kháng sinh cho những người trong gia đình tiếp xúc gần với trẻ và những người chăm sóc trẻ ở bất kỳ tuổi nào, tiền sử tiêm phòng và có triệu chứng hay không. Tiêm phòng cho những người tiếp xúc gần cũng nên được xem xét.

Tiêm phòng: Thực hiện đúng và đầy đủ khuyến cáo về tiêm phòng ho gà trong chương trình tiêm chủng mở rộng: mũi 1 lúc trẻ 2 tháng tuổi, mũi 2, 3,4 lần lượt khi trẻ được 3 tháng, 4 tháng và 18 tháng tuổi.

 

Bác sĩ CK1 Bùi Thu Phương

Khoa Nhi – Bệnh viện TWQĐ 108

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận