ội chứng nôn chu kỳ (Cyclic Vomiting Syndrome – CVS) là một chứng bệnh không thường gặp, hay khởi phát ở lứa tuổi trẻ em, với biểu hiện rầm rộ, gây ảnh hướng lớn tới chất lượng cuộc sống cũng như gây những biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

 

CVS có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên nhìn chung thường khời phát trong khoảng 3-7 tuổi với tỷ lệ  3 trên 100.000 trẻ. Hội chứng này lần đầu được mô tả năm 1882 bởi nhà lâm sàng người Anh tên Samuel Gee và xếp vào 1 trong hơn 20 nhóm bệnh rối loạn chức năng đường tiêu hoá (FGIDs).

1. Sinh lý bệnh:

Cơ chế bệnh sinh đến nay còn nhiều tranh cãi tuy nhiên vẫn có những thống nhất cho rằng một số yếu tố có thể nắm vai trò chủ chốt trong hội chứng này như gen, bất thường về tiêu hoá, vấn đề hệ thống thần kinh hoặc mất cân bằng hormone. Một số yếu tố khởi phát được ghi nhận như: Sau nhiễm lạnh, dị ứng, viêm xoang; kích thích quá mức về cảm xúc (cẳng thẳng hoặc vui mừng quá độ) đồ uống có cồn, socola, caffein hoặc phomai; ăn nhiều, ăn ngay trước khi đi ngủ; thời tiết nắng nóng…

Đặc biệt, có mối liên hệ mật thiết giữa hội chứng nôn chu kỳ và đau đầu căn nguyên mạch (Migraines headache): trẻ có tiền sử gia đình mắc Migraines nguy cơ mắc CVS cao hơn và ngược lại, trẻ mắc CVS có thể tiến triển thành đau đầu căn nguyên mạch khi lớn lên. Ở trẻ vị thành niên, lạm dụng cần sa có thể là nguyên nhân gây nôn chu kỳ.

2. Triệu chứng học

Hội chứng nôn chu kỳ được nhận diện bởi triệu chứng nôn, buồn nôn nghiêm trọng từng đợt mà không có một nguyên nhân cụ thể nào được xác định. Mỗi đợt nôn có thể kéo dài vài giờ cho tới vài ngày, sau đấy xen kẽ những khoảng trống hoàn toàn không có triệu chứng và cứ thế lặp lại. Mỗi đợt có tính chất định hình, tức là có thể khởi phát ở cùng thời điểm trong ngày, kéo dài một khoảng thời gian nhất định với biểu hiện tương tự nhau.

Nôn chu kỳ thường xuất hiện vào buổi sáng với 4 giai đoạn riêng biệt:

Giai đoạn tiền triệu với cảm giác buồn nôn, vã mồ hôi vài giờ.

Giai đoạn nôn diễn ra tiếp sau với những đợt nôn dữ dội, thường sau ăn hoặc uống nước.

Giai đoạn hồi phục diễn ra khi cơ thể cảm thấy giảm cảm giác buồn nôn và số lần nôn.

Cuối cùng là giai đoạn ổn định, người bệnh cảm thấy hoàn toàn bình thường trước khi bước vào chu kỳ tiếp theo.

Bên cạnh biểu hiện nôn và buồn nôn, người bệnh có thể cảm thấy đau bụng, sốt, tiêu chảy, chóng mặt. Hệ quả của bệnh gây ra rối loạn nước và điện giải nghiêm trọng, tạo thành vòng xoắn bệnh lý, khiến người bệnh khó kiểm soát nôn dù được dùng thuốc.

3. Chẩn đoán:

Mặc dù không có quá nhiều triệu chứng song biểu hiện rầm rộ của bệnh gây ra khó khăn cho việc chẩn đoán và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý gây nôn khác, đặc biệt trong những chu kỳ đầu tiên.

Để giúp các nhà lâm sàng có thể chẩn đoán bệnh một cách nhanh chóng và hiệu quả, năm 2006, tiêu chuẩn ROME III được ra đời, cụ thể bệnh nhân được cho là mắc CVS nếu có đủ 2 yếu tố:

Có ít nhất 2 đợt nôn và buồn nôn khó kiểm soát kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày

Sau mỗi đợt nôn, trẻ trở về trạng thái bình thường trong vài tuần cho đến vài tháng.

Tuy nhiên, sau khi áp dụng, người ta thấy rằng có khá nhiều trường hợp bị chẩn đoán nhầm. Hội tiêu hóa, gan mật và dinh dưỡng Bắc Mỹ (North American Society for Pediatric Gastroenterology, Hepatology, and Nutrition – NASPGHAN) đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán nôn chu kỳ ở trẻ em như sau:

Có 5 chu kỳ trong một khoảng thời gian bất kỳ được đánh giá hoặc có 3 chu kỳ trong 6 tháng.

Chu kỳ buồn nôn/nôn kéo dài 1h – 10 ngày và diễn ra cách nhau ít nhất 1 tuần.

Tính chất bệnh và triệu chứng đặc thù với từng bệnh nhân.

Nôn ít nhất 4 lần/giờ trong tối thiểu 1 giờ.

Trở lại tình trạng sức khỏe bình thường giữa các đợt bệnh.

Không mắc các rối loạn khác.

Trẻ được chẩn đoán nôn chu kỳ khi đáp ứng đầy đủ tất cả những tiêu chuẩn trên.

Sau khi tiếp cận trẻ nôn cần phân biệt với các nguyên nhân gây khác:

Tại đường tiêu hoá: GERD, viêm dạ dày cấp, tắc ruột, viêm tuỵ cấp hay mạn…

Bệnh lý thần kinh: Động kinh thể bụng, u não, hội chứng Riley-Day…

Nôn do bệnh lý nội tiết: Rối loạn chuyển hoá porphyrin, bệnh Addison…

Bệnh lý tâm thần: Rối loạn lo âu, trầm cảm, biếng ăn do tâm bệnh…

4. Điều trị

Điều trị bằng thuốc được áp dụng trong các chu kỳ nôn, sau khi chẩn đoán được bệnh, các nhà lâm sàng có thể sử dụng các nhóm thuốc chống đau đầu Migraines, thuốc chống nôn hoặc một số thuốc chống động kinh để kiểm soát tình trạng nôn. Carnitine và Coenzyme Q10 cũng được khuyến cáo bổ sung từ liều thấp vừa đáp ứng lâm sàng vừa có thể giảm tác dụng không mong muốn.

Điều trị dự phòng được một số chuyên gia trên thế giới đồng thuận như:

Giúp trẻ hạn chế những suy nghĩ tiêu cực, stress tâm lý

Rèn luyện thể thao ở mức vừa phải, tránh gắng sức

Chế độ ăn giàu dinh dưỡng và chất xơ, không nên cho trẻ ăn quá no trước khi ngủ

Duy trì giấc ngủ điều độ

Tóm lại, mặc dù trên lâm sàng bắt gặp với tỷ lệ không nhiều, nôn chu kỳ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của trẻ cũng như gây ra những biến chứng nặng nề như rối loạn nước và điện giải, tổn thương cơ thắt tâm vị…. Để đảm bảo an toàn, ngay khi có những biểu hiện đầu tiên, gia đình nên đưa trẻ tới cơ sở uy tín để xác định chẩn đoán và điều trị theo đúng phác đồ.

Tác giả: BS Nguyễn Minh Tuấn

Khoa Nhi – Bệnh viện TƯQĐ 108

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận