Chương trình giáo dục sức khoẻ được Khoa Da liễu, Trung tâm Da liễu-Dị ứng phối hợp cùng Ban Công tác xã hội tổ chức, nhằm cung cấp kiến thức về phòng ngừa, phát hiện sớm và chăm sóc bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng cho người bệnh, người nhà người bệnh (NB/NNNB), từ đó hạn chế việc tự điều trị hoặc điều trị sai cách khiến tình trạng bệnh trở nặng.

 

Chia sẻ trong chương trình, ThS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Trang cho biết, bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng (VDTXKƯ) là biểu hiện của phản ứng trên da với các tác nhân sinh học, hoá học, lý học từ bên ngoài. Bệnh VDTXKƯ chiếm 80% trong số các trường hợp viêm da tiếp xúc và là bệnh da nghề nghiệp thường gặp nhất.

Một số nghề nghiệp thường mắc bệnh như: Người nội trợ, đầu bếp, thợ xây, thợ mộc, thợ gội đầu/làm móng… Hiện có trên 2.800 chất gây kích ứng được nhắc tới, trong đó có những chất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày như: Nước rửa bát, nước giặt, nước tẩy rửa, thuốc nhuộm tóc…

Chương trình giáo dục sức khỏe “Hiểu về bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng”

Khi tiếp xúc với các chất kích ứng mạnh gây triệu chứng lâm sàng ở hầu hết người bệnh, các chất kích ứng nhẹ thường tiếp xúc nhiều lần gây ra hiện tượng tích luỹ phá huỷ lớp sừng gây viêm mạn tính. Biểu hiện lâm sàng của VDTXKƯ tương đối đa dạng, có thể được xếp thành ba thể chính:

– Phản ứng kích ứng: biểu hiện nhẹ gồm đỏ da nhẹ, bong vảy, mụn nước hoặc vết trợt, thường gặp ở mặt mu bàn tay và ngón tay. Bệnh hay xảy ra ở người làm các công việc có tiếp xúc với nước, có thể tự khỏi hoặc tiến triển thành VDTXKƯ.

– Viêm da tiếp xúc kích ứng: xảy ra do tiếp xúc với hoá chất mạnh như acid và kiềm. Biểu hiện nhẹ gồm châm chích, rát bỏng, da khô căng hoặc sẩn phù thoáng qua. Biểu hiện nặng gồm đỏ, phù nề, đau, mụn nước, bọng nước, mụn mủ, lột da, hoại tử. Thương tổn giới hạn rất rõ với da lành, khu trú ở vùng tiếp xúc, xuất hiện nhanh trong vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với chất kích ứng. Có thể có trường hợp xuất hiện muộn, sau khi tiếp xúc với chất kích ứng 8-24 giờ hoặc thậm chí 2 tuần. Tổn thương lành nhanh sau vài ngày hoặc vài tuần ngừng tiếp xúc với chất kích ứng. – Viêm da tiếp xúc kích ứng mạn tính: thường gặp, xuất hiện khi tiếp xúc nhiều lần với chất có nồng độ thấp như xà phòng, dầu gội đầu. Các yếu tố thuận lợi gồm cọ xát, sang chấn, độ ẩm thấp. Bệnh xảy ra vài tuần, vài tháng, có thể vài năm sau khi tiếp xúc với chất kích ứng. Biểu hiện gồm da đỏ, bóc vảy, nứt nẻ, lichen hóa, giới hạn không rõ với da lành, ngứa. Viêm da bàn tay hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới do tiếp xúc với các chất kích ứng khi làm công việc nội trợ.

– Bệnh VDTXKƯ do kiến ba khoang là một thể bệnh cấp tính khi người bệnh tiếp xúc với dịch axit của kiến ba khoang, thường dễ chẩn đoán nhầm với bệnh zona. Sau khi tiếp xúc, người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, kèm theo đỏ một vùng da. Sau 6 – 12 giờ tổn thương da đỏ cộm thành vệt, nề lên, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều, nặng hơn có thể hình thành mụn mủ, bọng mủ kèm theo loét, hoại tử da. Một số có tổn thương đối xứng ở khoeo tay, bẹn (kissing lesion). Tổn thương da thường hết sau 1 tuần, tuy nhiên sẽ để lại dát thẫm màu và sẽ mờ dần đi theo thời gian.

Viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang

Bệnh VDTXKƯ thường được điều trị chủ yếu bằng việc dùng bảo hộ khi làm việc, sử dụng dưỡng ẩm sau khi tiếp xúc chất kích ứng và sử dụng thuốc điều trị phù hợp theo ý kiến của bác sĩ.

Đối với bệnh VDTXKƯ do kiến ba khoang, ngay sau khi tiếp xúc hay nghi ngờ tiếp xúc, cần rửa tổn thương với nhiều nước sạch. Nếu bị tiếp xúc vùng mắt cần rửa nhiều bằng nước muối sinh lý 0.9, sau đó người bệnh nên đi khám để được bác sĩ chuyên khoa kê đơn điều trị.

TS.Bùi Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Da liễu-Dị ứng trả lời thắc mắc của người bệnh tại chương trình giáo dục sức khoẻ

Chương trình giáo dục sức khoẻ nhận được sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của NB/NNNB, các thắc mắc về bệnh lý đều được các y bác sĩ của Khoa Da liễu giải đáp tận tình, đặc biệt trực tiếp TS.Bùi Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Da liễu-Dị ứng cùng tham gia tư vấn bệnh.

ThS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Trang – Khoa Da liễu, Trung tâm Da liễu-Dị ứng, Bệnh viện TWQĐ 108

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest


0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận