Chuyển mùa, thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển mạnh. Từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận nhiều ổ dịch cúm gia cầm tại nhiều địa phương. Ngày 23/3/2024, một người bệnh đã tử vong do dương tính với virus cúm A (H5N1) tại tỉnh Khánh Hòa, đầu tháng 4 vừa qua tỉnh Tiền Giang cũng ghi nhận ca mắc cúm A (H9N2) trên người đầu tiên.

 

Bệnh cúm A(H5N1) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A(H5N1) gây ra, thuộc chủng cúm A có độc lực cao, có đến 50% người mắc diễn tiến nặng và tử vong. Cúm A(H9N2) có độc lực thấp, thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt, do đó dễ gây tâm lý chủ quan phòng bệnh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch diện rộng.

Nguồn lây virus cúm gia cầm

Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, với gia cầm ốm, chết do nhiễm virus cúm, ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Virus có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng của gia cầm bệnh, phân gia cầm bệnh, bụi và đất.

Ngoài ra, virus có thể lây truyền qua không khí, đó là các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh, hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm.

Hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến gia cầm bệnh có nguy cơ cao lây bệnh.

Bệnh cúm gia cầm có lây từ người sang người không? Hiện chưa có bằng chứng cho thấy bệnh cúm gia cầm lây từ người sang người. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại virus có thể biến đổi để lây từ người sang người.

Biểu hiện của bệnh cúm gia cầm

Người bị cúm gia cầm thường có những biểu hiện: Sốt hoặc sốt cao đột ngột (trên 38 độ C), đau đầu, đau nhức cơ, ho khan, đau họng, mệt mỏi, có thể có tiêu chảy. Một số trường hợp diễn biến rất nhanh có thể gây viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng tỷ lệ tử vong cao.

Khi có các biểu hiện như: sốt, ho, đau ngực, khó thở… phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám và điều trị kịp thời.

Lưu ý khi phòng bệnh

Để chủ động phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

– Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc, đảm bảo ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

– Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

– Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

– Người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ gia cầm phải được trang bị đồ phòng hộ. Người trong khu dịch, cần hạn chế tiếp xúc với nguồn lây và thực hiện tốt phòng hộ cá nhân hàng ngày, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

– Khi đi vào chợ gia cầm hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống cần đeo khẩu trang, sau đó rửa tay bằng xà phòng.

– Khi có biểu hiện như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Vì vậy, chủ động phòng bệnh là biện pháp rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận